Hút thuốc lá và Ung thư phổi - Nguyên nhân và hệ quả tất yếu
Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu và chiếm tới 97% các bệnh nhân bị ung thư phổi đều liên quan đến thứ thuốc có làn khói trắng độc hại này.
Có tới 97% bệnh nhân bị ung thư phổi đều do hút thuốc lá. Vậy thuốc lá gây ra ung thư phổi như thế nào? Bệnh ung thư phổi là gì?
1. Thực trạng của việc hút thuốc lá và ung thư phổi
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam được coi là một trong những nước có tỉ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới với 56,1% ở nam giới và 1,8% ở nữ giới.
Số người mắc ung thư phổi ở Việt Nam chỉ đứng sau bệnh ung thư gan. Theo khảo sát của ngành y tế, vào năm 2000, số bệnh nhân bị ung thư phổi là 6.905 trường hợp. Tuy nhiên đến năm 2013, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư phổi đã tăng gấp 4 lần, đạt tới con số 20.000 bệnh nhân mỗi năm, trong đó có 17.000 ca tử vong.
Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư phổi
Ở nam giới tỉ lệ mắc bệnh ung thư cao hơn hẳn so với nữ giới. Tại Việt Nam cứ 12 người nam bị bệnh ung thư phổi thì có 4 bệnh nhân là nữ, với tỉ lệ khoảng 29,6/100.000 ở nam và 7,3/100.000 ở nữ. Tại Hà Nội, ước tính cứ trong 100.000 người dân thì có đến 40 người mắc bệnh ung thư phổi. Tương tự, con số này ở thành phố Hồ Chí Minh là 30/100.000 người.
Còn trong thống kê gần đây của bệnh viện K, có đến 96,8% bệnh nhân ung thư phổi đều hút thuốc lá thường xuyên và chỉ có 3,2% người mắc bệnh không do hút thuốc.
Bệnh ung thư phổi đang gia tăng theo tỷ lệ hút thuốc lá, đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều người sẽ kết thúc cuộc đời mình và những người thân vì căn bệnh chưa có thuốc chữa này. Bỏ thuốc lá là cách duy nhất để bạn có cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh.
2. Cách thuốc lá gây ra ung thư phổi
Thuốc lá bao gồm các chất độc gây tổn hại đến AND trong cơ thể con người (Bao gồm các gen quan trọng có khả năng kháng ung thư). Nhiều hóa chất được tìm thấy trong thuốc lá đã được chứng minh là gây tổn thương DNA, bao gồm: Nicotine, benzen, polonium-210, benzo (a) pyrene và nitrosamine.
Một số hóa chất trong thuốc lá làm đẩy nhanh quá trình tổn hại DNA. Ví dụ Crom làm cho chất độc như benzo (a) pyrene dính mạnh hơn vào DNA, làm tăng nguy cơ tổn thương nghiêm trọng.
Phổi của người bình thường và phổi của người hút thuốc lá
Các hóa chất như asen và niken can thiệp vào các cơ chế tự sửa chữa của các DNA bị hư hỏng, làm tăng khả năng các tế bào bị hư hại biến thành tế bào ung thư. Cùng với đó cơ chế miễn dịch của cơ thể suy giảm nghiêm trọng, khiến cho các tế bào ung thư phổi hình thành và phát triển nhanh chóng.
- Bạn có thể tìm hiểu rõ hơn trong bài viết: Vì sao hút thuốc lá gây ung thư phổi?
Hút thuốc lá bao lâu thì bị ung thư phổi?
Cứ mỗi 15 điếu thuốc thì có một sự thay đổi trong DNA. Thời gian để các tổn thương DNA biến thành ung thư phụ thuộc vào sự may mắn của bạn, thay đổi này có thể làm cho tế bào trở thành ác tính bất cứ lúc nào. Bỏ thuốc lá sớm chính là cách duy nhất giúp bạn giảm bớt nguy cơ bị ung thư phổi.
Phần dưới đây, Nhà thuốc Thanh Nghị sẽ chia sẻ với bạn 1 số kiến thức cơ bản để bạn hiểu rõ hơn về bệnh ung thư phổi.
3. Khái niệm và phân loại ung thư phổi
3.1. Khái niệm
Ung thư phổi là khối u ác tính, có số lượng tế bào phát triển một cách không kiểm soát
Ung thư phổi là những khối u ác tính được mô tả qua sự tăng sinh tế bào một cách không thể kiểm soát trong các mô phổi. Có 2 dạng chính đó là:
- Ung thư phổi nguyên phát: Ung thư bắt đầu trong phổi, có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể như các hạch bạch huyết, não, tuyến thượng thận, gan và xương.
- Ung thư thứ phát hoặc di căn trong phổi: Ung thư bắt đầu ở một phần khác của cơ thể và lan ra phổi.
3.2. Các loại ung thư phổi
Ung thư phổi tế bào lớn: Chiếm hơn 80% ung thư phổi, được phân loại như sau:
- Tế bào ung thư bắt đầu từ các tế bào sản xuất chất nhầy và thường được tìm thấy ở phần ngoài của phổi.
- Ung thư biểu mô tế bào vảy, thường phát triển ở đường hô hấp lớn hơn.
- Ung thư biểu mô tế bào không phân biệt lớn. Các tế bào ung thư không rõ ràng vảy hoặc ung thư tuyến.
Ung thư phổi tế bào nhỏ: Chiếm khoảng 15-20% ung thư phổi. Ung thư phổi tế bào nhỏ có xu hướng bắt đầu ở giữa phổi và thường có xu hướng lây lan nhanh hơn ung thư tế bào lớn:
- Các khối u bắt đầu từ khoảng trống giữa phổi (trung thất) hoặc thành ngực.
- Các khối u tuyến ức, khối u tế bào mầm, khối u của mô thần kinh và các khối u hạch bạch huyết (ulympho) có thể phát sinh trong trung thất.
- Các khối u chính của xương, sụn hoặc cơ bắp cũng có thể xuất hiện ở thành ngực nhưng hiếm gặp.
4. Nguyên nhân gây ung thư phổi
4.1. Hút thuốc lá gây ung thư phổi
Ung thư phát triển từ tổn thương ADN và những sự biến đổi ngoài di truyền (epigenetic). Những đột biến này ảnh hưởng đến các chức năng bình thường của tế bào, bao gồm sự tăng sinh tế bào, quá trình chết theo chương trình của tế bào (apoptosis) và sửa chữa ADN.
Càng hút nhiều thuốc lá thì tổn thương này càng tích lũy nhiều và dẫn đến ung thư phổi.
Hút trực tiếp hay hút thụ động đều tăng nguy cơ mắc ung thư phổi
Việc hít phải khói thuốc từ một người khác đang hút thuốc, hay thường được gọi là hút thuốc lá thụ động, là một trong những nguyên nhân của việc không hút thuốc cũng bị ung thư phổi.
Nguy cơ mắc bệnh đối với những người sống cùng với người hút thuốc tăng lên từ 20–30%, trong khi đối với những người làm việc trong môi trường có khói thuốc là 16–19%. Ung thư phổi chỉ là 1 trong số 11 tác hại của khói thuốc lá đối với sức khỏe.
Các nghiên cứu chỉ ra khói thuốc bay ra ngoài không khí từ điếu thuốc cháy, nguy hiểm hơn nhiều so với loại khói mà người hút thuốc trực tiếp hít vào. Như thế có thể thấy người hút thuốc lá thụ động từ người khác còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với người trực tiếp hút thuốc.
4.2. Do tiếp xúc với Amiang
Amiang là một loại chất được ứng dụng trong các ngành công nghệ chế tạo vật liệu chịu nhiệt, sản xuất ô tô và vật liệu xây dựng. Amiang có thể gây ra nhiều loại bệnh ở phổi khác nhau, trong đó có ung thư phổi.
Đối với những người hút thuốc có tiếp xúc với amiang, nguy cơ mắc bệnh tăng tới 4 - 5 lần. Ngoài ra amiăng còn có thể gây ra ung thư màng phổi, được gọi là u trung biểu mô màng phổi.
4.3. Tiếp xúc với bụi kim loại
Tiếp xúc với việc xử lý thép, niken, crom, khí than và vấn đề bức xạ, ô nhiễm không khí cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
4.4. Di truyền
Khoảng 8% số ca ung thư phổi có nguyên nhân tới từ các yếu tố di truyền. Một người có quan hệ họ hàng với bị ung thư phổi thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên 2, 4 lần. Điều này xảy ra là do khả năng có sự kết hợp gen.
4.5. Tiểu sử cá nhân
Nguy cơ phát triển ung thư phổi tăng lên nếu bạn đã từng được chẩn đoán mắc bệnh phổi khác như xơ hóa phổi, viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng hoặc bệnh lao phổi.
4.6. Tuổi già
Ung thư phổi thường được chẩn đoán ở những người từ 60 tuổi trở lên, mặc dù nó có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi.
5. Các triệu chứng của ung thư phổi
Ung thư phổi có rất ít biểu hiện rõ rệt cho đến khi lan qua phổi và các bộ phận khác, nên người bệnh dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác, gây khó khăn trong việc phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu. Từ đó tỉ lệ tử vong xảy ra là rất cao.
Ung thư phổi rất ít biểu hiện rõ rệt, khi dấu hiệu rõ ràng cũng là lúc bệnh chuyển sang giai đoạn nặng.
- Triệu chứng tiền phát là những cơn ho khan thường xuyên, dai dẳng. Sau đó, từ ho khan, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu có thể ho ra đờm, đặc biệt ho nhiều vào lúc gần sáng, đôi khi dính thêm tí máu.
- Tiếp đó người bệnh thường xuyên bị viêm phế quản, viêm phổi dẫn đến suy nhược cơ thể. Khi bệnh phát triển nặng hơn, có thể có các triệu chứng sưng phổi, nặng ngực, thở thấy nặng nhọc, thường xuyên thấy mệt mỏi...
- Các dấu hiệu khác của ung thư phổi bao gồm ho ra máu, đau họng, hoặc giảm cân không giải thích được.
- Ung thư phổi cũng có thê gây phù nề do Hội chứng tăng tiết ADH.
- Có trường hợp bệnh nhân lại có triệu chứng khát, tiểu tiện nhiều gây giảm trương lực và yếu cơ, rung cơ, chán ăn, buồn nôn do gây nên hội chứng Canxi máu.
- Đặc biệt có người bị sưng đau xương khớp, ngón tay, ngón chân dùi trống do khối ung thư kích thích sản xuất hormone sinh trưởng (GH) làm hình thành những xương mới, chủ yếu là ở các xương dài, xương tăng sinh và viêm xương dưới màng xương.
Bạn nên biết khi các triệu chứng xuất hiện là biến chứng của các khối u. Chúng đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như não , xương , gan , ... hoặc ở ngay phế quản. Lúc này bệnh đã chuyển qua giai đoạn nặng hơn, cơ hội kéo dài sự sống cũng thấp dần.
Khi phát hiện bất cứ triệu chứng nào bạn nên nhanh chóng thăm khám tại các bệnh viện chuyên về ung bướu. Tốt nhất là bạn nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt và đi kiểm tra định kì để phát hiện bệnh và có biện pháp can thiệp sớm với tình trạng phát triển của bệnh.
Bình luận bài viết